Lời thú tội đáng yêu với chính mình
Tôi có một người mà tôi muốn gọi là thầy. Người đó không lớn tuổi hơn tôi, cũng không phải là một người thầy của ai trên danh nghĩa. Người đó đã xuất hiện trong cuộc đời tôi và dạy tôi về tình thương vô điều kiện. Có nhiều lúc, tôi muốn trao đi tình thương vô điều kiện cho người thầy ấy. Nhưng cũng lắm khi, tôi lại có những đòi hỏi rất cá nhân, âm thầm mà không dám nói ra. Vì tôi sợ, nếu nói ra, tình thương đó sẽ không còn thuần khiết như ban đầu. Và tôi cũng không muốn khiến người thầy ấy cảm thấy phiền lòng dù chỉ một chút. Tôi thương người thầy ấy, vì vậy mà tôi không muốn bản thân trở nên ích kỉ khi bên cạnh thầy, dù sự ích kỉ trong tôi chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Hóa ra, tình thương của tôi cũng không “Vô điều kiện” lắm nhỉ? Đối với tôi, những lúc không thể yêu thương một cách “Vô điều kiện” với người mình thương là một điều tội lỗi. Tôi tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những đòi hỏi đó. Những dòng ký ức chợt hiện về. Tôi ngồi một góc, cô đơn trong ngôi trường rộng lớn. “Bạn bè của nhau” thì ở khắp nơi, dưới sân trường, trên ghế đá, trong căng tin, hay dưới ngăn bàn trong các lớp học, còn tôi chỉ có một mình. Cảm giác cô đơn tột cùng đó, tôi dồn nén nó lại, không cho nó biến thành nước mắt, cũng không cho nó vùng vẫy để thoát ra ngoài. Nỗi cô đơn lớn dần, bám dai dẳng trong dòng suy nghĩ như những xúc tu bạch tuột theo năm tháng. Càng cô đơn, tôi càng khao khát có bạn, và càng hiểu ra rằng, con người ta cần phải được đối xử tử tế và yêu thương như thế nào. Hóa ra, nỗi cô đơn cũng có hai mặt, nhỉ? Hóa ra, những đòi hỏi sâu kín nhất của tôi lại xuất phát từ những tổn thương trong quá khứ. Chúng thực ra chẳng chính đáng như vẻ bề ngoài. Những đòi hỏi, hay kỳ vọng của một người với một người, chính nó sẽ luôn thuyết phục chúng ta rằng: “Tôi bị đối xử bất công, và tôi xứng đáng được nhận lại”. Để vượt qua những đòi hỏi ấy thật là khó, nhưng không phải là không thể làm được, chỉ cần trong tôi luôn tự hỏi mình một câu: “Mình có thực sự đang thương thầy ấy không?”…